Chuyến từ thiện "mang xuân yêu thương về sớm với hộ nghèo xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, Hồ Chí Minh"

20/06/2019
Chia sẻ:

Tôi từng nghe câu nói “Tôi học cách cho đi không phải vì tôi đã có quá nhiều, mà vì tôi đã biết ý nghĩa và cảm giác của việc cho đi”

Cũng đã gần một tháng trôi qua kể từ chuyến đi từ thiện về xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM nhưng bây giờ ngồi đây và hồi tưởng lại những gì đã trả qua trong chuyến đi tôi vẫn cảm thấy những cảm xúc trọn vẹn, buồn vui đủ cả. Đó thật sự là một chuyến đi ý nghĩa!

Với tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ đồng bào trong lúc khó khăn và góp phần cùng với chính quyền địa phương xây dựng chương trình nông thôn mới, chăm lo đời sống các hộ gia đình đang gặp hoàn cảnh vô cùng khó khăn có thể đón năm mới Xuân Kỷ Hợi đầy ấm no và ý nghĩa nhất về cả mặt vật chất và tinh thần. Công ty cổ phần đầu tư và tư vấn tài chính Việt Tín đã thực hiện chương trình từ thiện với thông điệp “Mang đến một cái tết ấm áp và ý nghĩa cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó” của Giám đốc công ty.

Chuyến từ thiện được thực hiện bởi sự tham gia trực tiếp của Giám đốc và toàn bộ nhân viên công ty cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của chị Mai Huỳnh Thuỳ Trang - PCT huyện Nhà Bè. Chúng tôi nhận được sự tiếp đón nhiệt tình của anh chị cán bộ nơi đây, đó là sự nồng hậu đặc trưng của những con người ở vùng đất này, mà trong suốt chuyến đi, đi đến nhà nào chúng tôi cũng đều nhận được. Tôi được chú Hiền – công an khu vực chở đến từng nhà. Tôi hỏi chú về thông tin xã, chú kể Nhơn Đức tuy là một vùng sông nước mênh mông, nhưng không chỉ thiên nhiên làm khó mà chiến tranh đã để lại nơi đây sự hoang tàn điêu đứng. Nơi đây là mảnh đất chết trong chiến tranh hơn 40 năm trước; đất canh tác bị bỏ hoang; chất độc hóa học, chất khai hoang đã khiến vườn tược, ruộng đồng bị xơ xác, xóm làng trở nên tiêu điều, nhiều tệ nạn, nghèo đói diễn ra khiến xã Nhơn Đức trở thành vùng đất chịu nhiều khắc nghiệt. Đặc biệt là sự ảnh hưởng từ điều kiện thiên nhiên, thường xuyên xảy ra ngập lụt.

Nhà dân sau triều cường

Một tháng nước lên đến 2 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày mà lần nào cũng ngập lụt gây tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, rồi nước dâng vào tận trong nhà cửa, hỏng hóc đồ đạc nên người dân ở đây cũng chẳng buồn sắm sửa gì trong nhà, thậm chí những nơi vùng thấp còn không thể kinh doanh nổi. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và kinh doanh của mọi người nơi này.

Ngồi sau xe, tôi nhận ra ở đây có rất ít sự hiện diện của những người trẻ, đa số là người già và trẻ em. Đau lòng nhất là cảnh những cụ già phải sống một mình không con cháu trong những mái nhà tranh đơn sơ, chỉ biết trông cậy vào lòng tốt của những người hàng xóm láng giềng. Mọi người chia làm 4 tốp được chỉ dẫn bởi các tổ trưởng các ấp. Nhóm của tôi ghé thăm tổng cộng 5 hoàn cảnh khó khăn, tôi không gọi là 5 gia đình khó khăn vì với tôi, có một vài hoàn cảnh họ không có được cả một gia đình trọn vẹn. Đặc biệt là vài hoàn cảnh khiến tôi xúc động nhất, qua đó cũng hy vọng mọi người hiểu được phần nào những khổ đau của họ.

Lối vào nhà Ông Nguyễn Văn Cư

Bước đến sân nhà (thật ra tôi thấy nó giống túp lều hơn), chúng tôi nhận được sự tiếp đón của một ông cụ, ông đứng lên vất vả mời chúng tôi ngồi. Khi ngồi nói chuyện tôi mới biết vì tuổi già, vì trận mưa ngập vừa rồi nên ông bị ngã trầy xước bên mặt và gãy chân nên đi lại càng vất vả. Tôi hỏi ông có con cháu gì không, ông nói rằng “không có con ơi”. Ông kể, vợ ông mất sớm, ông có thằng con nuôi, nhưng nó lớn nó đi lấy vợ rồi đi miết cũng không thấy về thăm ông. Mỗi lần mưa gió là đau ốm trong người, vừa mới tháng trước ông bị cảm trúng gió, ngã ra sàn đập đầu vào cửa chảy mất nhiều máu mà mưa to gió lớn không biết kêu gọi ai, tưởng lần ấy không qua khỏi, may mắn có cô hàng xóm phát hiện gọi người đến cứu giúp.

Ông sống một mình neo đơn trong ngồi nhà lụp sụp

Thân già không nơi nương tựa, không gì may mắn bằng tình làng nghĩa xóm, ai có rảnh thì qua nấu giùm ông bữa cơm, còn không thì ông thể nấu được. Tôi có đi bước qua bếp xem, nồi cơm có một ít cơm và một nồi nước có ít thịt bằm, có lẽ là bữa trưa được hàng xóm nấu giùm. Mỗi tháng ông chỉ thu nhập 200.000Đ từ hàng xóm và uỷ ban xã, ông có ăn uống gì thì người ta mua giùm. “Ông ăn toàn bốc con ơi, nhiều khi bốc trúng con thằn lằn, con gián, bỏ vô họng ăn nó hôi lắm con ạ.” Nghe đến đây chúng tôi đều xót xa. Một chút ít quà cùng với rất nhiều sự thật lòng, thật lòng chúng tôi mong ông khỏe mạnh và có nhiều may mắn hơn để có thể sống bớt khổ hơn trong những ngày sắp tới.

Và rồi lại một lần nữa bước vào một túp lều khác.

Lối vào gia đình Chú Trần Văn Giáp

Gia đình có 4 người: 2 em nhỏ vẫn còn đang đi học còn cụ bà vẫn khỏe, vẫn đi lại nhanh nhẹn. Mình bác trai mang lại thu nhập chính trong gia đình từ công việc thợ hồ là không đủ, cụ bà tuy tuổi đã cao nhưng vẫn đi làm thuê để các cháu được cắp sách tới trường

Chúng tôi ngồi tâm sự với bà, bà kể lại những khó khăn vất vả trong cuộc sống. Thế nhưng hạnh phúc lớn nhất của bà là vẫn ở bên chồng và con cháu, vật chất cao sang làm sao có thể sánh bằng niềm vui khi những cơ cực, lo toan được đền đáp bằng những giấy khen, chứng nhận học bổng dành cho cháu gái nhỏ của bà. Tuy gia đình khó khăn, điều kiện kinh tế không cho phép em được chăm lo như bạn bè cùng trang lứa thế nhưng đã cho em nghị lực trong học tập, hứa hẹn tương lai tươi sáng cũng như mang lại niềm tự hào và hạnh phúc vô bờ cho gia đình em. Để chắp cánh cho tương lai của em Trần Nguyễn Nhã Phương, Việt Tín đã quyết định ngoài chuyến thăm từ thiện, mỗi tháng sẽ hỗ trợ cho em 500.000đ với mong muốn mang lại cho em điều kiện học tập tốt nhất có thể.

 

Kết quả học tập tốt của em Trần Nguyễn Nhã Phương

Mỗi chuyến đi lại để trong tôi những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên. Sau chuyến đi của Việt Tín đến với bà con xã Nhơn Đức, huỵên Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh, thứ mà đọng lại trong tôi không chỉ là sự cảm thông, chia sẻ và thương cảm mà quan trọng hơn đó là tôi cảm thấy mình thật sự quá may mắn. Giữa thành phố xa hoa tráng lệ vẫn còn biết bao con người gặp khó khăn đang loay hoay kiếm sống. Có người còn chưa bao giờ nghĩ tới khái niệm đón tết chứ đừng nói đến việc sắm sửa tết nhất. Con đường vào xã Nhơn Đức quanh co, hẻo lánh.

Khi những ngôi nhà mái lá đơn sơ, những nụ cười hạnh phúc trên gương mặt của bà con nơi đây khi tận tay nhận được những phần quà tết hiện ra như trước mắt khiến tôi muốn trực trào nước mắt. Trao đi yêu thương là nhận lại yêu thương, tôi cảm thấy hạnh phúc vì điều đó”.

Hộ gia đình Nguyễn Văn Chính

Những gia đình hộ nghèo ở xã Nhơn Đức chủ yếu là người già neo đơn không ai chăm sóc, con cái đi làm ăn xa hoặc không có điều kiện kinh tế. Có gia đình cả năm mưu sinh chẳng đủ ăn huống chi là đón tết. Cũng có gia đình nghèo đến mức nhà cửa dột nát hay người thân mắc bệnh hiểm nghèo, tiền thuốc thang chạy chữa còn chẳng đủ. Họ chưa bao giờ đón một cái Tết đúng nghĩa. Giúp được những người có hoàn cảnh khó khăn như vậy không chỉ là hành động mang ý nghĩa nhân văn mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân tại địa phương.

Thư cảm ơn của Ủy ban xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè